Chủ đề Bi, đừng sợ!

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, Bi, đừng sợ! là "câu chuyện về các quãng đời khác nhau của một người đàn ông", trong đó điểm khởi nguồn là hình ảnh "một cậu bé ngây thơ, trong trẻo, vui vẻ và vô lo" – là Bi – tiếp đến là "tuổi thanh xuân đầy kiêu hãnh, đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi" – hình ảnh cậu học sinh – rồi đến tuổi trưởng thành khi người đàn ông "bắt đầu mệt mỏi với những bổn phận, lạc đường trong các mối quan hệ phức tạp và rất khó tìm hạnh phúc" – bố của Bi – và lúc tuổi già, khi người đàn ông "đã trải qua tất cả mọi biến cố cuộc đời, thấu hiểu nó, họ sẽ trở nên im lặng và sẵn sàng để đón nhận cái chết" – ở đây là ông nội Bi.[2]

Viên đá lạnh cũng là hình tượng được đề cập xuyên suốt câu chuyện. Nguyên Minh từ VnExpress nhận định đạo diễn sử dụng hình ảnh này làm mối liên kết giữa các nhân vật và từng tuyến truyện:[3]

Viên đá giúp người ông xoa dịu những đau đớn mà bệnh tật của tuổi già đem lại, viên đá giúp người cô kìm nén những ham muốn tình dục lúc nửa đêm, viên đá khiến người cha giải tỏa được cơn khát giữa mùa hè nóng bỏng. Còn với Bi, viên đá là một thứ gì đó thú vị, hấp dẫn em mỗi khi nhìn thấy và chạm vào để cảm nhận cái tê buốt trên những đầu ngón tay. Đá còn giúp Bi lưu lại những chiếc lá khô. Nếu như ví những tảng đá lạnh là cánh cửa bước vào thế giới người lớn, thì sự hồn nhiên, tinh nghịch và trong trẻo của một đứa bé 6 tuổi như Bi chính là lực đẩy giúp người xem bước qua được lớp nước đá mờ ảo để cảm nhận rõ hơn mối quan hệ giữa người với người cùng những nỗi niềm khát khao, đau thương tột cùng và sự tàn nhẫn của thời gian.[3]

Liên quan